Friday, May 22, 2015

Mục / Quê Lòng


Cõi lạnh đời khô rét mướt nhiều
Cây cằn đồng cỏ xấu hoang liêu
Không thôn xóm cũng không người ở
Nơi đó liêu sơ quạnh quẽ chiều

Đôi lúc đồng khô mọc ít hoa
Nắng lên bàng bạc một trời xa
Quê lòng rộng mở đường cho sạch
Đón những bàn chân trắng nuột nà

Đường ở đây mưa ướt đất trơn
Nắng lên không kịp kẻ kia hờn
Tay xa cách vẫy người không lại
Chân trắng ra về lối đẹp hơn

Ơi! Quê lòng tôi! Quê lòng ơi!
Trải mấy thời gian lột sắc rồi
Ta muốn thăm em không nỡ ngó
Mà câu tâm sự chẳng nên lời


Văn Cao (1923-1995)

Câu Cá Mùa Thu

Câu cá mùa thu
Trong các thú tiêu khiển của người Việt trước đây gồm: chơi câu đối, treo tranh Tết, chơi chim, chọi gà, đá cá, trồng hoa & cây cảnh, câu cá và thả diều thì chỉ có câu cá vẫn còn thông dụng và phổ biến.
Câu cá vừa là cái thú tiêu khiển cho những người có tính kiên nhẫn vừa giúp người câu tiết kiệm được tiền bạc rất nhiều. Vì lợi phẩm thu được từ những lần đi câu là cá, tôm, cua, ghẹ, mực, sò, ốc, hến...có thể dùng cho ba bữa ăn hàng ngày mà không cần tốn tiền đi chợ. Hôm nào không câu được thì nhịn đói chờ đến hôm sau đi câu được nhiều rồi ăn bù gấp đôi.
Đắc Xuyên Gia Khang không thích câu cá, đi được hai lần rồi chạy dài. Mỗi lần quăng cần câu xuống biển thì dây cần câu cứ móc vào các mỏm đá, nếu không thì dính vào cần của những người câu kế bên. Câu thì tốn thật nhiều mồi mà mỗi khi thấy cần câu có động tỉnh nhấc cần lên thì cả mồi lẫn móc câu theo con cá rớt xuống biển. Hai lần đi câu lại đi vào ban đêm trời tối mịt mùng, biển cả thì rộng mênh mông chỉ có ánh trăng soi sáng. Ngồi nhấp cần câu hoài mà chả có con cá nào nên nhiều khi tiếng sóng vỗ du dương khiến ngủ gà ngủ gật chẳng ra làm sao.
Ở Việt Nam thì thường câu cá ở sông, hiếm có nghe nói ai cầm cần câu ra biển. Nhà văn Toan Ánh trong cuốn "Các thú tiêu khiển Việt Nam" đã dành một chương chép về thú câu cá ở miền Nam. Không hiểu sao Toan Ánh không có một câu hoặc một đoạn nào nhắc đến hai miền Trung và Bắc. Có lẽ cá tôm đồ biển của hai miền ấy khan hiếm hoặc đã theo dòng biển Đông xuôi ngược vào trong Nam rồi đổ vào chín cửa biển của sông Cửu Long và ngụp lặn trong các sông ngòi đầm rạch của vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ.
Toan Ánh đã viết như sau:
"Ở miền Nam có nhiều sông rạch chằng chịt nhất là nhiều đồng bằng, quan trọng hơn hết là Đồng Tháp. Bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch, nước sông Cửu Long dâng lên tràn ngập mênh mông vào đồng ruộng phì nhiêu, trông như biển cả, thành một vùng đất dung thân của các loài cá từ Biển Hồ (Campuchia) đổ xuống để làm nơi cầu thực, sinh đẻ và trưởng thành nên thú câu cá được thuận lợi và thịnh hành, tạo cho nông thôn một nguồn sống dồi dào.
Thú câu cá rất tế nhị, vì không phải đơn giản như lối ông Lã Vọng (tức Khương Tử Nha) câu thời, câu vận nơi sông Vị với cây cần câu mang một lưỡi câu ngay chò. Trái lại thú câu cá là một nghệ thuật, đòi hỏi lắm công phu mới mong thành công đóng góp một vai ngư ông lành nghề. Đã sống lâu trên địa hạt một ngư phủ, các cụ nông thôn rất từng trải hầu hết đặc tính của các loài thủy tộc, nên biết được loại cá nào ăn mồi chạy (sống), loại cá nào ăn mồi chết (ủ), loại cá nào ăn cạn, loại cá nào ăn sâu, và nhất là phải dùng thứ mồi nào cho thích hợp với các loại cá nói trên.
Hơn nữa thú câu cá phải nhằm mùa, đúng con nước và đặc biệt là vị trí (cá rất kỵ nơi ồn ào). Do đó mới có câu: “Buôn gặp chầu, câu đúng chỗ”. Phương chi, thú câu cá cũng như thú chơi him thuộc loài "chim trời cá nước, biết đâu mà tìm", nhưng khi biết rộng hiểu nhiều, người xưa mới tự hào: "Cận thủy tri ngư, cận sơn tri điểu / Gần nước biết cá, gần núi biết chim."
Sau phần giới thiệu trên thì Toan Ánh liệt kê những kinh nghiệm cổ truyền khi câu 3 loại cá: cá đồng ăn mồi cạn, cá sông ăn mồi cạn và cá sông ăn mồi sâu. Cá đồng gồm cá lóc, cá bông, cá rô. Cá sông ăn mồi cạn gồm cá he, cá mè vinh (cá Trà Vinh), cá trạch, cá chốt. Cá sông ăn mồi sâu gồm cá leo, cá út, cá thiều, cá trèn bầu, cá thác lác, cá lăm, cá hú, cá vồ cờ, cá vồ đém (ĐXGK chẳng hiểu là cá gì mà có những cái tên khó đọc vô cùng)
Một thí dụ về cách câu cá lóc, cá bông được Toan Ánh chép khá tỉ mỉ như sau:
- Dụng cụ: Cần câu bằng cây tầm vông róc hết nhánh nhóc, dài độ bằng 6 mét, nhợ câu ni lông, lưỡi câu số 10. Hồi xưa nhợ câu thường bằng chỉ tơ se lại, chỉ vải hay nhợ bằn gai, còn lưỡi câu phải uốn bằn thép, nay có ni lông rất chắc và lưỡi câu đúc của ngoại quốc nhập cảng vào xứ ta, nên rất tiện. Nơi gốc cần câu có tra cái nạn để khi câu chống vào hông cho đỡ mỏi tay.
- Mùa câu: từ tháng 1 đến tháng 5 âm lịch
- Giờ câu: ban ngày, mai, chiều và khuya (có trăng càng tốt)
- Mồi câu: cóc nhái sống
- Nơi câu: đìa hoang, bưng, tàu
- Chuẩn bị chổ câu: dọn ở địa điểm nói trên một luồng dài 20 mét ngang 1 mét.
- Cách móc mồi: con mồi bị móc lưỡi câu ngang lưng. Xong ngắt một lóng cỏ ống. Một đầu ghim vào lưỡi câu. Một đầu chẻ hai ghim vào đuôi lưỡi câu để khi rê lưỡi câu cho khỏi vướng
- Cách câu: dựng cần câu hơi xiên xiên. Tay trái kềm cần. Tay mặt nhắm nhợ cách lưỡi câu độ 5 tấc, đoạn quăng xuôi theo luồng cỏ đã dọn. Cần câu đưa sang tay mặt, kéo uyển chuyển nhợ câu phơn phớt trên mặt nước làm như con mồi nhảy long lóc. Cá lóc và cá bông ngó thấy mồi phóng mình lên đớp ngay. Để cho cá ngậm mồi ta trầm mình ghì mạnh thẳng nhợ câu, gặt ngang cần câu, cá mắc câu liền. Vì hai giống cá này ăn mồi bám lắm, ít khi giựt trật."
Đắc Xuyên Gia Khang chép lại kinh nghiệm trên của nhà văn Toan Ánh nhưng cũng chẳng hiểu gì mấy. Các bạn nào lanh trí đọc hiểu ông ấy nói gì thì xin vác cần câu ra ngay bờ sông hay bờ biển để câu cá liền tay. Chúc các bạn thành công câu được nhiều cá. Nếu không câu được thì dùng tay bắt, một tay bắt hai con cá, hai tay bắt bốn con cá. Thêm nghêu sò cua ghẹ thì dùng đôi chân mà khều.
Nếu cả buổi không khều bắt được một thứ nào thì hãy ngâm bài thơ "Mùa thu đi chơi thuyền" của Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm vì biết đâu trong thơ của ông có những lời tiên tri sấm truyền khiến cho cá nghêu cua sò từ sông biển từng đàn phóng dội ngược lên nằm dài trên bờ để các bạn đem về hấp gừng hành.

Nước xuôi nước ngược, sóng dâng triều  
Thuyền khách chơi thu, nọ phải dìu  
Chèo vượt bóng trăng, nhân lúc hứng  
Buồm giong ngọn gió mặc cơn siêu  
Phơ phơ đầu bạc ông câu cá 
Leo lẻo dòng xanh con mắt mèo 
Le vịt cùng ta như có ý  
Ðến đâu thời cũng thấy đi theo

Đắc Xuyên Gia Khang

Tuesday, May 5, 2015

Phạm Công Cúc Hoa

Hai nhân vật chính trong tập thơ truyện bằng tiếng Nôm (tiếng Việt dùng hai ba mẫu tự của Tàu ghép lại trước đây khi chưa được La-tinh hoá) của tác giả Dương Minh Đức Thị. Không rõ tác giả là đàn ông hay đàn bà vì cái tên Dương Minh Đức có vẻ là tên của nam giới nhưng lại thêm chữ Thị đằng sau khiến cho ta liên tưởng tới một bà tác giả. Nhưng Thị cũng còn có nghĩa là thuộc thị tộc, dòng họ nào nó.

Trước đây tên tác giả Phạm Công Cúc Hoa đều ghi là khuyết danh hoặc vô danh vì không ai biết tên, một đặc điểm chung của các thơ truyện Nôm. Có vài lý do khiến cho các truyện thơ Nôm phải để tên là khuyết danh: các Nho sĩ (giỏi tiếng Hán) ngày xưa không coi trọng các tác phẩm chữ Nôm nếu không muốn nói là coi thường, thơ Nôm đa số là truyền miệng không có ghi chép lại nên tên của tác giả thường bị nhầm lẫn hoặc thất thoát, các tác giả không muốn đề tên mình vào tác phẩm vì đã có sự hiềm khích với nhà cầm quyền đương thời.

Truyện thơ Phạm Công Cúc Hoa gồm 4610 câu thơ lục bát được xuất bản lần đầu tiên năm 1880 bởi Thiên Bảo Lâu Thư Cục và được phát hành bởi hiệu sách Quảng Thạnh Nam tại Chợ Lớn. Truyện Kiều của Nguyễn Du gồm hơn 3 ngàn câu thơ đã thấy dài triền miên, tập thơ Phạm Công Cúc Hoa lại còn kỷ lục hơn nữa.

Phạm Công cùng với Cúc Hoa
Sánh duyên giai ngẫu một nhà tóc tơ
Sa trường võ tướng đêm mơ
Ngày tan bóng giặc phấp cờ hồi gia

Biên thuỳ vó ngựa thân xa
Nào hay con trẻ quê nhà thọ tang
Cúc Hoa thục nữ đài trang
Lìa trần bỏ lại nghĩa chàng con thơ

Thương con ngày tháng vật vờ
Phạm Công gá nghĩa chàng nhờ mối ông
Tào Thị xinh đẹp phượng công
Lòng lang dạ hiểm chỉ mong khanh hầu


Tác phẩm thơ truyện Phạm Công Cúc Hoa được giàn dựng nhiều lần qua các thể loại như tuồng chèo (miền Bắc), cải lương (miền Nam) và điện ảnh (cho cả 3 miền). Đắc Xuyên Gia Khang nhớ xem phim điện ảnh này hồi cuối thập niên 80 do cặp kim đồng ngọc nữ Lý Hùng và Diễm Hương của điện ảnh thời đó đóng hai vai chính. Thêm vào Lê Công Tuấn Anh đóng vai Dương Chí Nhân, Phương Dung vai Tào Thị, mẹ ruột của Diễm Hương đóng vai mẹ của Cúc Hoa lúc còn nhỏ, cô đào nhì cải lương Thoại Mỹ đóng vai công chúa.

Đắc Xuyên Gia Khang xin sơ lược cốt truyện như sau:

Phạm Công là đứa con duy nhất của cặp vợ chồng nghèo. Bố chết chàng phải mang kiếp cầm lon đi ăn mày để kiếm miếng ăn phụng dưỡng mẹ. Khi mẹ mất chàng xin vào học chữ với Quỷ Cốc tiên sinh (chắc là rước ở bên Tàu qua vì cái tên quá ư là kiếm hiệp Trung Huê), tại đây Phạm Công bị tiếng sét ái tình của Cúc Hoa đâm trúng. Cúc Hoa là bạn học đồng môn vừa xinh đẹp mỹ miều lại đoan trang đôn hậu lại là con gái của Quỷ Cốc tiên sinh nên đã được cha cho trao vòng nhẫn cỏ với trai nghèo Phạm Công.

Cúc Hoa có mang cặp song sinh Nghi Xuân (gái) và Tấn Lực (trai), đúng lúc này triều đình mở khoa thi nên Phạm Công từ giã vợ đang mang thai lên kinh ứng thí. Trên đường đi chàng gặp biết bao nhiêu là gian nan thử thách nhưng không sự gì có thể làm chàng nản chí. Quốc vương của nước Triệu thấy Phạm Công là trai đẹp lại có tiềm tài nên cứ ép gả con gái cho, nhưng cô công chúa con vua thì ý nhị hơn nên đã không ép uổng Phạm Công mà cho chàng về quê sum họp với vợ và hai con.

Hai vợ chồng và con cái sống hạnh phúc được hơn mười năm thì Cúc Hoa qua đời. Phạm Công tái giá với Tào Thị những tưởng sẽ mang lại sự đùm bọc êm ấm cho hai đứa con mồ côi mẹ. Nào ngờ đâu chàng giao hai trái trứng cho con gà ác Tào Thị. Mụ Tào Thị này thuộc loại gian ác bất chấp thủ đoạn nhất nhì trong tất cả các nhân vật hư cấu của truyện Nôm ngày trước.

Phạm Công trong một lần được điều đi xa tận Cao Bằng để làm quan trấn thủ, ở nhà mụ Tào Thị nuôi bồ nhí và tằng tịu kép trẻ, bị hai con ghẻ Nghi Xuân và Tấn Lực chất vấn mụ ra tay hành hạ đánh đập chúng thật tàn nhẫn. Thấy nuôi hai đứa trong nhà có vẻ không ổn Tào Thị tống cổ Nghi Xuân và Tấn Lực ra ngoài đường bắt chúng mang kiếp cầm lon ăn xin như cha chúng hồi còn nhỏ để đem tiền về cho mụ ta.

Cúc Hoa ở dưới suối vàng thấy cảnh Tào Thị quá nhẫn tâm với con mình nên đã hiện hồn về báo mộng cho Phạm Công hay. Phạm Công lập tức đình chỉ quan chức mà trở về quê. Tào Thị gian dối chối quanh co sự việc khi bị Phạm Công hạch tội. Tuy không lấy roi phạt Tào Thị hoặc "bạt bạt bạt bạt" bốn chiều vào mặt mụ ta nhưng Phạm Công đã đuổi mụ ta ra khỏi nhà cho khuất mắt. Khi bước ra khỏi cửa Tào Thị bị sét đánh một phát đi chầu Diêm Vương. Còn Phạm Công thì với sự trợ giúp của Diêm Vương, Tề Thiên Đại Thánh được đưa xuống âm ty tái ngộ trùng phùng với Cúc Hoa.

Khi hoàn dương trở lại nhân thế chàng được vua nước Trịnh gả công chúa Xuân Dung. Hai người sống với nhau thật đầm ấm và Phạm Công được vua Trịnh nhường ngôi báu.

Không rõ năm Phạm Công làm vua nguyên niên là năm nào vì tra trong lịch sử các triều đại Việt Nam thì không có ông vua nào mang họ Phạm hết.

Cúc Hoa đội sớ thác oan
Nam Tào xét sổ nhầm nàng đã lâu
Ngọc Hoàng xem sớ chuẩn tâu
Truyền hồi dương thế nối câu đá vàng

Tương phùng châu lệ song hàng
Tình chồng nghĩa vợ vẹn toàn thê nhi
Lầu son gác tía tích ghi
Truyền lưu kim cổ những gì ngày xưa
 
Đắc Xuyên Gia Khang / FB

Vũng Tàu sơn xuyên chí


Bao giờ Bưng Bạc hết sình
Bàu Thành hết nước hai đứa mình hết thương
(Ca dao Vũng Tàu - Bà Rịa)

Với hơn 14 km chiều dài bờ biển nằm trên mũi đất có 3 mặt giáp đại dương, Vũng Tàu là thành phố biển lớn nhất miền Nam. Tuy không sánh bằng Nha Trang ở ngoài Trung về mực nước trong xanh hoặc mức độ sầm uất khách thập phương. Nhưng Vũng Tàu là phố biển nghỉ mát tiện lợi và gần gũi nhất cho dân Sài Gòn.

Vũng Tàu nằm trong tỉnh Bà Rịa. Vào thế kỷ thứ 15 sau khi vua Lê Thánh Tôn sát nhập đất Lão Qua, Bồn Man và Chiêm Thành vào Đại Việt thì có các thuyền thương buôn Bồ Đào Nha cập bến vào Vũng Tàu và họ đặt tên nơi đây là Saint Jacques. Tục truyền rằng đến đời vua Gia Long của triều Nguyễn, những bọn du thủ du thực ăn mày ăn xin không có cơ hội đi hành khất trong khu vực hoàng thành Huế vì vua có lệnh cấm rất nghiêm ngặt. Những người này được vua tập trung lại và đem chất hết lên 3 chiếc thuyền rẽ sóng trực chỉ theo đường biển Đông vào cập bến tại mũi đất biển thuộc Vũng Tàu. Ba chiếc thuyền cập bến vào 3 nơi và được gọi bằng: Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam.

Sách "Đại Nam nhất thống chí" của Quốc sử quán triều Nguyễn được soạn dưới triều vua Tự Đức thì chép rằng Vũng Tàu được dịch từ chữ Hán "thuyền úc 船澳". Thuyền có nghĩa là ghe tàu còn úc có nghĩa là nơi nước ăn thông vào đất liền. Đến khi người Pháp đến nơi đây họ gọi mũi đất biển này là Cap Saint Jacques và gọi tắt là "au Cap" có nghĩa là "ở mũi biển". Người Việt sau đó tiện gọi chổ này là Ô Cấp trong khi tên chính thức trong sơn xuyên chí là mũi "Nghinh Phong 迎風" tức "đón gió". Người Pháp lại dịch từ Nghinh Phong sang tiếng Tây là "au Vent" khiến cho người Việt phiên âm ngược lại là Ô Quắn.
Phủ Phước Tuy thiếu chi gái đẹp
Anh lội suối, vượt ghềnh băng bộ tới đây
Tình riêng ai cột sợi dây
Cho sông nhớ núi cho cây nhớ rừng

Vũng Tàu thuộc về tỉnh Bà Rịa, một tỉnh nhỏ cực Đông của Việt Nam với dân số đâu hơn triệu người. Bà Rịa xưa thuộc trấn Biên Hoà. Tên Bà Rịa phiên âm từ chữ Bà Lị, một xứ ở phía nam đất Chiêm Thành. Vua Cao Miên nhân dịp thành hôn với một bà công chúa con của chúa Nguyễn đã cho người dân xứ sở của vợ mình vào đất Mô Xoài lập nghiệp. Sau đó người Việt đổi tên Mô Xoài thành Phước Tuy (Bà Rịa) và cứ thế mà an cư gầy dựng cơ nghiệp và chẳng chịu trả lại đất cho Cao Miên cho đến khi vua Gia Long sát nhập Bà Rịa và nguyên cái trấn Biên Hoà vào thành Gia Định năm 1808.
Tới đây xứ sở lạ lùng
Con chim kêu cũng phải sợ, con cá vùng cũng phải kiêng
Chiều chiều én liệng trên trời
Rùa bò dưới đất, khỉ ngồi trên cây
Chèo ghe sợ sấu cắn chưn
Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma

Trịnh Hoài Đức trong cuốn "Gia Định thành thông chí" soạn khoảng năm 1820, ở phần phụ chép lời khẩu thuyết đã viết vài đoạn rất đại cương về Bà Rịa như sau:

"Bà Rịa là đất có tiếng đầu biên giới của trấn Biên Hoà, cho nên các phủ ở phía bắc có câu ngạn ngữ: cơm Nai Rịa, cá Rí Rang. Đất (Bà Rịa) này dựa lưng vào núi, mặt trông ra biển, rừng rậm, tre dầy, trên có sở tuần để vẫy gọi dân man mọi đến đổi chác, vùng dưới có trạm cửa bể để xem xét thuyền bè lúc đi ra biển, đường trạm thủy bộ giao tiếp. Việc cung nộp lâm, sơn, thổ, sản, chế ngự Đê, man, bắt giữ đạo tặc đã có huyện, nha, đạo, thủ, chia giữ nhiệm vụ, chính là nơi xung yếu bận rộn, khó nhọc nhất...

Bà Rịa là đất Lục Chân Lạp xưa, xét Tân Đường Thư chép: "Nước Bà Lị (婆利) ở ngay phía đông nam Chiêm Thành, từ Giao Châu đi theo ven biển qua các nước Xích Thổ, Đan Đan là đến. Xứ ấy đất rộng, đảo nhiều, còn gọi là Mã Lễ, đây có tục xâu tai đeo hoa, dùng một khúc vải cát bối quấn ngang lưng. Phía Nam miền ấy có nước Thù Nại, sau niên hiệu Vĩnh Huy đời Đường (651-655) thì bị Chân Lạp thôn tính." Cứ theo như lời nói ấy mà suy thì các tục ấy giống như phong tục của Cao Miên và Đê, man ngày nay, mà địa điểm đất đai cũng thế. Tra theo Chính vận thư thì chữ "lợi" (利) được phiên âm là "lực địa thiết" tức "lị", vậy nghi chữ Bà Rịa tức là nước Bà Lị xưa"

Phở bò - Ngưu nhục phấn


Trước khi chép về đề tài ẩm thực của ngày hôm nay. Đắc Xuyên Gia Khang xin mời các bạn đọc qua bài thơ "Phở" của tác giả Chu Hà

Phở là đặc sản của quê hương
Danh tiếng vang lừng khắp bốn phương
Trong đục tự nơi lần luộc thịt
Dở ngon tùy ở cách hầm xương
Ớt, chanh khoe mẻ nhìn duyên dáng
Ngò, quế khép mình thấy dễ thương
Nam, nữ, trẻ, già, sang, quý, tục
Một lần nếm thử vị hoài vương

Một lần nếm thử vị hoài vương
Vắng phở lâu ngày sẽ nhớ thương
Tái nạm, tái ngầu, chưa tái giá
Nhừ gân, nhừ thịt, chửa nhừ xương
Sụn, gồi mát dạ người xa xứ
Béo, ngọt thơm lòng khách viễn phương
Quốc túy, quốc hồn danh bất hủ
Phở là đặc sản của quê hương!


Bài thơ trên phác hoạ tổng quát lại món ăn quốc hồn quốc tuý của Việt Nam. Người Tây phương biết đến món ăn đặc sản của Việt Nam trước tiên qua món phở mà họ phát âm là "fô".

Người Việt gắp phở bằng đũa còn người Tây múc bánh phở để ăn bằng muỗng, nếu bánh cứ bị rớt tỏm trở xuống tô thì họ dùng nĩa cuộn tròn lại và cho vào miệng nhai. Họ ăn uống khá từ tốn chậm rãi không đớp hút vồn vã huyên náo xóm chợ như người Việt. Thường thì thấy họ dùng muỗng múc hết nước phở nuốt hết không để chừa sót một thành phẩm nào của tô phở.

Ăn xong thường họ mở lời khen: "It was very nice, i really like it". Đôi khi cô bồi bàn hay ông chủ quán phở thiếu tế nhị, khi người ta khen thì đáp trả bằng tiếng cám ơn nhưng lại đặt thực khách vào thế kẹt:
"Du wăn mo? Ai mết sé-cần bâu xì-pét-sồ pho du! Háp pờ-rai ón ly sờ"
(You want more? I make second bowl special for you! Haft price only/ Ăn nữa không? Tôi bán tô thứ nhì đặc biệt có nửa giá hà!)

Phở tuy là món cầu kỳ tốn thời gian trong cách nấu nhưng khá đơn giản trong cách trình bày và ăn. Tuy là món ăn thuần tuý của Việt Nam nhưng lại dễ ngán hơn món cơm mà chúng ta ăn thường ngày. Ở Việt Nam rất ít ai nấu phở ở nhà, tại Úc sao thấy nhiều nhà cuối tuần nào cũng nấu phở mà nấu một lần khá nhiều khiến ăn không hết bỏ tủ lạnh đông đá để dùng sau này.

Người ta vẫn chưa biết phở có xuất xứ từ đâu. Có hai giả thuyết được đặt ra nhưng không có cái nào thuyết phục được đại đa số. Thứ nhất là giả thuyết phở có nguồn gốc từ món thịt hầm pot-au-feu của Pháp du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ 20. Pot-au-feu đi sát nghĩa là cái nồi đặt trên lửa và phiên âm là po to fơ, nhưng lại là món thịt bò bắp hầm với bắp cải. Món "po to fơ" này theo lời của đầu bếp trứ danh Raymond Blanc "là món ăn trong gia đình danh tiếng nhất của Pháp, món ăn của thường dân lẫn giới quý tộc".

Món "po to fơ" của Pháp chỉ giống phở của Việt Nam độc nhất ở chổ thịt bò bắp hầm chín và xắt lát...còn lại các nguyên liệu khác thì hoàn toàn chẳng có một thứ gì của "po to fơ" là giống "Vi-na phở" hết.

Giả thuyết thứ hai cho rằng phở có xuất xứ bên Quảng Đông thuộc Lưỡng Quảng ngày xưa của Tàu khi họ gọi món phở bò là "牛肉粉 ngưu nhục phấn". Trong nồi nước lèo của phở bò có dùng rất nhiều nguyên liệu có gốc gác bên Tàu như hoa hồi, thảo quả, địa sâm, đinh hương, quế thanh...

Nhưng trong sách vở nấu ăn của Tàu chẳng có cuốn nào nhắc đến món ngưu nhục phấn này và cũng chẳng có ai nấu. Có chăng là tại các nhà hàng có cư dân hay người du lịch ngoại quốc muốn ăn thử món quốc hồn quốc túy của Việt Nam thì người Tàu mới nấu, nhưng cách pha chế rất khác phở Việt Nam vì họ cho khá nhiều nguyên liệu thảo mộc khiến nước lèo đục ngầu và dậy mùi thảo quế rất nồng.

Nhà văn Vũ Bằng của miền Bắc trong cuốn ký sự "Miếng ngon Hà Nội" đã dành hai chương đầu nói về phở: chương thứ nhất là phở bò và chương thứ hai là phở gà. Mời các bạn đọc lại đoạn miêu tả phở bò rất sống động của Vũ Bằng:

"Thật thế, phở đối với một hạng người, không còn là một món ăn nữa, mà là một thứ nghiện như nghiện thuốc lào, thuốc lá, trà tươi, thuốc phiện.

Ngay từ ở đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí quyến rũ ta như mây khói chùa Hương đẩy bước chân ta, thúc bách ta phải trèo lên đỉnh núi để vào chùa trong rồi lại ra chùa ngoài. Ta tiến lại gần một cửa hàng bán phở, thật là cả một bài trí nên thơ. Qua lần cửa kính ta đã thấy gì? Một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm, chín có, tái có, sụn có, mỡ gầu có, vè cũng có...

Người bán hàng đứng thái bánh, thái thịt luôn tay, thỉnh thoảng lại mở nắp một cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh Tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu.

Trông mà thèm quá! Nhất là về mùa rét, có gió bấc thổi hiu hiu, mà thấy người ta ăn phở như thế, thì chính mình đứng ở ngoài cũng thấy ấm áp ngon lành. Có ai lại đừng vào ăn cho được...

Một hàng phở ngon là một hàng phở ăn một bát, lại muốn ăn hai và nếu còn sức ăn nữa thì phải ăn ba không thấy chán.

Gặp phải ngày ta se mình, ngửi mùi thịt thấy sợ, hàng phở ngon vẫn có thể làm cho ta ăn ngon miệng với một bát phở chay, chỉ có bánh và nước thôi. Làm như thế mà ngon, thế mới là ngon đấy.
Một bát phở vừa tái vừa chín ngon, chưa đủ để định giá trị của hàng phở được; muốn biết chân giá trị của nó, theo lời người biết ăn phở, phải là thứ phở chín không thôi, phở chín mà ngon thì mới thật là ngon đấy.

Thực ra, điều quan hệ trong một bát phở là cái bánh, nhưng thứ nhứt, như trên kia đã nói, cần phải có nước dùng thật ngọt. Bí quyết là ở chỗ đó. Và tất cả những hàng phở ngon đều giữ cái bí quyết ấy rất kín đáo, y như người Tàu giữ của, vì thế cho nên trong làng ăn phở, vấn đề nước vẫn là một vấn đề then chốt để cho người ta tranh luận."

Ông tổ của ma men tên là Lưu Linh năm xưa có làm bài thơ "Tửu đức tụng" để ca ngợi các đức tính tốt của rượu. Còn nhà thơ trào phúng Tú Mỡ của Việt Nam có làm một bài thơ "Phở đức tụng" ca ngợi những đặc tính của phở.

Bài thơ khá dài mà người chép lại không biết vô tình hay cố ý chép sai lỗi chính tả hoặc chép thừa vài ba chữ. Đắc Xuyên Gia Khang xin mạn phép ông Tú Mỡ trích lại một nửa bài thơ đã có sắp xếp lại vài chữ.

Trong các món ăn "quân tử vị"
Phở là quà đáng quý trên đời
Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi
Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ
Này bánh phở, này thịt bò, này nước dùng sao nhánh mỡ
Ngọn rau thơm, hành củ thái trên
Nước mắm, hồ tiêu, cùng dấm, ớt điểm thêm
Khói nghi ngút đưa lên thơm ngát mũi
Như xúc động tới ruột gan phèo phổi
Như giục khơi cái đói của con tì
Dẫu sơn hào, hải vị cũng không bì
Xới một bát nhiều khi chưa thích miệng
Kẻ phú quý cho chí người bần tiện
Hỏi ai là đã nếm mà không ưa
 
Đắc Xuyên Gia Khang

WARSAW (Warszawa): VÙNG ĐẤT CỦA ANH HÙNG - HÀO KIỆT

Trên những chặng đường vác ba-lô lang thang tìm hiểu con người, văn hóa ở những vùng đất lạ, tôi đã lang thang một cách tình cờ ngang qua vùng Đông Âu và đến Ba-Lan trong một ngày cuối Xuân. Đất nước Ba Lan có hai kinh đô cũ và kinh đô mới. Kinh đô Krakow có thể xem là cố đô từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVI trong khi đó Warsaw là kinh đô mới kể từ thế kỷ XVI rất nhiều những trầm luân, oanh liệt, khói lửa. Ngày nay, Warsaw là thủ đô chính thức của nước Ba Lan.
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin nói về thủ đô Warsaw của Ba Lan mà thôi, bởi vì nước Ba Lan khá rộng, lịch sử có quá nhiều chi tiết mà ngay chính những sinh viên chuyên ngành lịch sử của nước họ vẫn còn đôi lúc lẫn lộn. Trước khi đến Warsaw, tôi vẫn nghe những giai thoại như: ở đây giống như một Paris ở phía Đông của Châu âu, rằng ở đây có sự pha trộn văn hóa giữa Đông Âu và Tây Âu rất ngoạn mục. Đến nơi rồi, tôi càng thú vị và kinh ngạc khi thấy lịch sử của thành phố Warsaw từ cổ đại đến cận đại thật oanh liệt. Họ oanh liệt ngay từ giai đoạn phong kiến phải chống chỏi với những đế quốc lân cận muốn xâm chiếm họ, họ oanh liệt trong lịch sử cận đại chiến đấu chống Phát Xít Đức, Hồng Quân Liên Xô, và gần đây nhất, cả hệ thống chủ nghĩa Cộng Sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, có thể nói, đều bắt đầu từ Warsaw với Công Đoàn Đoàn Kết. 



MỘT CHÚT VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA TẠI WARSAW:
Khởi nguồn chỉ là một làng đánh cá nhỏ trong thế kỷ thứ IX và thứ X, sau đó ngôi làng phát triển dần trở thành một đô thị với thành quách, lâu đài trong thời trung cổ, trở nên một kinh đô của tiểu vương quốc Masivia vào thế kỷ XIV. Trong thời gian này, nơi đây nổi tiếng là trung tâm buôn bán với các thành phố lân cận khác qua những mặt hàng thủ công, mỹ nghệ. Từ khi bắt đầu phát triển cho đến thế kỷ XIII, thành phố này có tên là Bródno, rồi Jazdów. Từ năm 1300, thành phố mang tên Warsaw (theo đúng âm của thổ ngữ Ba Lan gọi là Warszawa). Bắt đầu năm 1526, các tiểu vương quanh vùng thống nhất trở thành một quốc gia lớn hơn. Nhà vua mới đã dời kinh đô từ Krokow về đây chính thức vào năm 1569 và Warsaw trở thành kinh đô của vương triều Ba Lan. Với chi tiết này, tôi liên tưởng đến thời mười hai sứ quân ở Việt Nam và nước Đại Cồ Việt chính thức được ra đời với vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam là Đinh Tiên Hoàng vào năm 968, thời đó kinh đô của nước ta là Hoa Lư (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay).

Thủ đô Warsaw là thành phố lớn nhất của quốc gia Ba Lan ngày nay. Nếu tính cả khu trung tâm và những vùng phụ cận, dân số gần 2 triệu 700 ngàn người trên một diện tích hơn 500 km2. Mặc dù đã vào Liên Hiệp Châu Âu, nhưng Ba Lan vẫn còn dùng tiền riêng, hối xuất là 0.32 cents USD hay 0.25 cents Euro. Những gì du khách thấy trước mắt hiện nay với một Warsaw diễm lệ, nghệ thuật và nhất là có rất nhiều nhà thờ, tất cả đều là những gì con người phục dựng lại theo đúng nguyên bản sau Chiến Tranh Thế Giới lần thứ hai. Như đã nói, người Ba Lan hay nói cách khác, người sống ở thủ đô Warsaw rất anh dũng, họ là những người chống cự mãnh liệt với quân Phát Xít Đức trong suốt gia đoạn chiến tranh. Cũng vì vậy mà những người Ba Lan bị lính Phát Xít Đức tàn sát nhiều nhất. Những quả bom của quân đội Đức liên tục thả xuống thành phố này từ năm 1939 cho đến khi chấm dứt chiến tranh vào năm 1945, phá hủy hơn 90% thành phố. Một lý do khác nữa vì cộng đồng Thiên Chúa Giáo tại Warsaw có một sự liên lạc rất đoàn kết và rất mạnh, ngày nào tôn giáo còn tồn tại thì ngày ấy sự chống cự vẫn còn tiếp tục. Adolf Hitler cũng biết được điều này, gã hung thần của cả nhân loại này đã trực tiếp ra lệnh phá sập tất cả những ngôi giáo đường, bắt và giết sạch những vị lãnh đạo tôn giáo. Với cách này, Hitler hy vọng có thể làm đổ sập toàn bộ sự kháng cự của người dân. Những trại tù, trại cải tạo do Phát Xít dựng lên đã đưa hàng triệu người dân Ba Lan, trong đó có hàng chục ngàn những vị lãnh đạo tôn giáo và giam cầm và giết hại từ từ. Cũng xin nói thêm về đức Giáo Hoàng John Paul II được sinh trưởng tại Ba Lan, khi quân Phát Xít tràn vào tu viện nơi ngài đang là một chủng sinh trẻ. Ngài đã thoát khỏi trận càn quét đó trong gang tấc như một phép lạ. Quân đội Phát Xít đã lục tung không chừa một hang hóc nào của tu viện nơi Ngài đang tu học lúc đó, nhưng kỳ diệu thay, những tên lính lại bỏ sót một cái tủ áo, nơi Ngài đang ẩn trốn. Người dân Ba Lan và những nhà sử học vẫn cho đây là một khoảnh khắc làm nên lịch sử. Vì từ sự kiện này, khi lính Đức bỏ sót cái tủ áo có người chủng sinh trẻ trốn trong ấy, để rồi vài chục năm sau, năm 1979, con người ấy trở về thăm quê hương trong cương vị là một vị Giáo Hoàng từ Rome, chính ngài đã khơi lại lòng tự hào dân tộc của người Ba Lan, lòng yêu chuộng tự do, trong đó có tự do hành đạo, tự do tín ngưỡng... Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan như tiếp thêm sức mạnh, người giáo dân chợt sực tỉnh với truyền thống anh dũng, bất khuất của thế hệ đi trước, họ đứng lại gần nhau hơn và rồi chính Warsaw là nơi khởi đầu cho những phong trào đấu tranh chống lại chính nhà nước Cộng Sản Ba Lan thời ấy. Từ đây, những ngọn sóng cứ hừng hực bùng lên và lan tỏa ra khắp Đông Âu. Cuối cùng, kể cả thủ phủ của chủ nghĩa Cộng Sản tại Moscow – Liên Xô cũng sụp đổ hoàn toàn. Chủ nghĩa Cộng Sản tại Ba Lan sụp đổ năm 1989 (Liên Xô sụp đổ năm 1991). Cuộc sống người dân trong giai đoạn giao thời thật vô cùng khó khăn, nhưng năm 1995, Ba Lan đã ổn định và rộng cửa với thế giới bên ngoài, năm 2004, Ba Lan trở thành thành viên chính thức của Liên Hiệp Châu Âu, chấm dứt hơn tám thập niên trầm luân với sự tàn ác của chủ nghĩa Phát Xít và chủ nghĩa Cộng Sản trên đất nước và con người tại đây.
Những gì tôi trình bày ở đây chỉ là những gì rất sơ lượt về lịch sử Ba Lan, muốn tìm hiểu chi tiết hơn, xin quý vị hãy tham khảo những pho sách sử với rất nhiều chi tiết mà đất nước này đã trôi nổi, trầm luân cùng dòng lịch sử bên cạnh những đế quốc hùng mạnh từ cổ đại đến giai đoạn phục hưng, và con người đã anh dũng, bất khuất như thế nào trước những chủ nghĩa tàn ác trong giai đoạn cận đại.


THĂM TRUNG TÂM THÀNH PHỐ VÀ CÁC ĐỊA DANH:
Cũng vẫn là quy hoạch giống các thành phố cổ khác ở khắp Châu Âu, Warsaw cũng có những đền đài, cung điện quanh khu vực trung tâm, được gọi là City Centre. Tuy nhiên như đã nói, chín mươi phần trăm các công trình kiến trúc trong thành phố đều được phục dựng lại sau chiến tranh thế giới thứ 2. Hệ thống subway được nối ngang dọc các khu vực quan trọng trong thành phố. Tôi thấy rất nhiều những ngôi giáo đường cổ kính như St. John’s Catheral, Jesuit Church, St. Martin Church...Cung điện chính xem như là nơi quyền lực của các triều đại xưa. Một chi tiết rất đáng chú ý là vương triều Ba Lan trong một thời gian dài phải thần phục triều đình Nga Hoàng. Khi tra cứu, tôi vẫn bắt gặp nhiều tài liệu cho thấy vua của Ba Lan thời phong kiến là các vị Sa Hoàng, còn vương triều của Ba Lan chỉ là những vị vương. Tuy nhiên cũng có nhiều tài liệu khác phủ nhận sự ”bảo hộ” từ triều đình Nga. Họ cho biết đây chỉ là vấn đề ngoại giao, giữ thanh bình cho đất nước, người dân, một cái gì đó cam chịu vì lỡ ở cạnh một đế quốc quá hùng mạnh, sẵn sàng nuốt chửng những vương quốc nhỏ bé xung quanh. Một chút ngậm ngùi và đồng cảm cho các quốc gia nhỏ bé. Nhìn về Việt Nam, suốt mấy thế kỷ bị Bắc thuộc, tổ tiên chúng ta sau khi đánh thắng giặc xâm lược rồi nhưng vẫn phải triều cống và nhận triều đình phương Bắc là Thiên Tử, còn vua của nước ta cũng chỉ là những vị vương, muốn lên ngôi cũng phải có sự đồng ý từ phương Bắc. Qua chi tiết này mà tôi cảm thấy gần gũi với người Ba Lan hơn, chú ý quan sát và tìm hiểu họ nhiều hơn để thấy giữa hai dân tộc Ba Lan và Việt Nam, có nhiều hoàn cảnh xảy ra gần giống nhau...



THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG THIÊN TÀI
Hai nhân vật xuất chúng của lịch sử cận đại đều xuất thân từ thủ đô Warsaw. Nếu tính theo dòng thời gian thì trước hết phải là thiên tài âm nhạc Fryderyk Franciszek Chopin. Công viên Chopin tọa lạc ở ngay trung tâm thành phố, khu vực hiện đại với nhiều dinh thự to lớn mà hiện nay được dùng làm những tòa đại sứ của nhiều quốc gia. Chopin sinh năm 1810 và mất năm 1849. Ông đã qua Paris đi học và làm việc từ năm 20 tuổi và mất tại Paris khi chỉ vừa mới 39 tuổi. Nhiều nghi vấn về bệnh tình của ông, nhưng một tài liệu nghiên cứu khá kỹ của giới sử học và y học tạm kết luận ông bị bệnh lao.

Lần theo con đường mòn nhỏ rẻ ra từ khu phố cổ, tôi vừa đi vừa hỏi thăm vì nghe nói nữ bác học Marie Currie cũng được sinh và lớn lên ở đây. Người ta nói cho tôi biết ngôi nhà của bà hiện vẫn còn và mở cửa đón du khách mỗi ngày. Chẳng mấy khó khăn, tôi đã đến gõ được cửa căn nhà, lần theo cầu thang gỗ xưa cũ để đi lên tầng hai. Cũng như thiên tài Chopin, bà Marie chỉ thật sự sáng chói trong giới khoa học và y học khi bà qua đến Paris. Ngày xưa ở Ba Lan đã không cho bà vào đại học vì thời ấy Ba Lan chỉ nhận các nam sinh viên. Tuy nhiên khi sống ở Pháp, trở thành nữ khoa học gia xuất sắc, dành hai giải thưởng Nobel, bà vẫn nhớ về quê hương và vẫn xem mình là người Ba Lan. Bà lập gia đình với một người Pháp cũng là một nhà vật lý học (ông đã nhận chung giải Nobel Vật Lý với bà); ở giải hóa học, bà đứng riêng một mình. Căn nhà nơi bà được sinh ra và lớn lên nằm khiêm tốn, bình thường trên dãy phố cổ. Nếu không để ý sẽ có thể sẽ dễ dàng đi qua. Bên trong có đầy đủ những thư từ, hình ảnh của cuộc đời nữ khoa học gia lẫy lừng thế giới này. Tôi quanh quẩn trong căn nhà gần hai giờ đồng hồ để suy nghĩ, trầm tư. Con người cũng như một gốc cây, nếu bị trốc gốc đương nhiên rất đau buồn, nhưng khi cây được đem trồng ở một vùng đất lạ, có thể cây cho trái lạ, nhưng cái lạ ấy lại là cái tuyệt vời mà nếu như cây không trốc gốc thì chẳng có gì đáng chú ý, cây cũng rồi tàn úa và chết như muôn ngàn cây khác trên một mảnh đất cằn cỗi, môi trường sống nghèo nàn, thiếu cơ hội và không được chăm sóc ...

 ẨM THỰC
Trở về khu trung tâm, nhảy lên xe, tôi cứ mở to mắt để nhìn xung quanh, nhìn những ngôi giáo đường rực rỡ, xe đưa tôi đến một khu chợ theo kiểu xưa. Món ăn của người Ba Lan chủ yếu là xúc xích, bánh mì, bánh quai vạc (pierogi), bắp cải cuộn thịt nấu sốt (bigos), bắp cải cuộn thịt hấp (golabki), soup, củ cải đỏ hầm và rượu vodkas cũng như rượu đỏ và beer làm nóng. Vì thời tiết lạnh ở Châu Âu nên những thức uống có một đặc điểm chung là được làm nóng. Đứng giữa khu chợ xưa, những gian hàng xưa được dựng bằng gỗ thô, tôi run lẩy bẩy khi móc bóp đếm tiền để mua một ly rượu nóng (hot wine). Rượu nóng rất phổ biến ở khu vực Đông âu. Công thức nấu rượu cũng đơn giản với rượu đỏ, các loại gia vị như quế, hoa hồi, bạch quả, vỏ cam, hạt dẻ, mật ong...Giữa cái rạnh run, nhấp một ngụm rượu nóng, tôi như cảm thấy cả cơ thể ấm lại đồng thời hơi ngạc nhiên vì rượu ở đây được bán tự do như ở Canada chúng ta mua café hay nước ngọt. Các quầy bán thức ăn nhanh ở những ngôi chợ làng cũng có quyền bán rượu. Tôi có hỏi vài người địa phương rằng khi chính quyền cho bán rượu tự do thì có xảy ra những vụ đánh nhau, tai nạn xe cộ nhiều hơn không, câu trả lời là không. Vấn đề bạo hành trong xã hội hoặc tai nạn giao thông vì rượu chè chưa bao giờ là lý do trong các báo cáo của cảnh sát. Dường như cộng đồng ở đây đã có ý thức và đã không lạm dụng, họ uống chừng mực, không say xỉn.

Thức ăn khá mặn
Những du khách đi cùng với tôi ai cũng than rằng thức ăn ở Ba Lan quá mặn và không hiểu tại sao. Đây cũng là một lý do mà tôi tò mò vì có thể đây là một đặc điểm văn hóa, lịch sử nào đó. Khi đã tìm hiểu, tôi biết rằng Ba Lan là một quốc gia gần như nằm lọt thỏm bên trong lục địa, chỉ một phần nhỏ phía bắc tiếp giáp với biển Baltic lạnh giá và kỹ nghệ làm muối khó phát triển. Từ thời trung cổ, người dân đã đi tìm những mỏ muối bên trong lòng đất để khai thác. Thời trung cổ, muối quý hơn kim cương, một bao muối 5kg có thể đổi được đất đai của một ngôi làng. Cũng chính vì muối quá đắc, cho nên chỉ có giới quý tộc, vương quyền, thương gia mới có tiền mua muối, và trong ẩm thực, nêm nhiều muối chứng tỏ đấy là thức ăn của người thượng lưu. Chủ nhân mời khách một món ăn, nếu nêm nhiều muối sẽ chứng tỏ đấy là món ăn đắc tiền. Hiện nay, giao thông đã thuận tiện, người Ba Lan có thể nhập cảng muối từ các nước khác, tuy nhiên ăn mặn đã trở thành một đặc điểm trong văn hóa ẩm thực của họ. Tại Canada, nếu chúng ta mua Polish sausage, chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng mặn, mặn không thua gì món cá ướp mặn phơi khô của miền Nam Việt Nam, sausage càng đắc tiền càng mặn là vậy.



ĐI TÌM ĐỒNG HƯƠNG
Vì thời gian không có nhiều, tôi mở niên giám thương mại của thành phố để tìm những nhà hàng Việt Nam. Trong cuốn niên giám có vài nhà hàng được giới thiệu là nhà hàng Việt Nam thuần túy bên cạnh vô số những nhà hàng của nhiều sắc dân khác. Tôi đã đi bộ gần hai tiếng đồng hồ để tìm ra được hai nhà hàng Việt Nam. Bước vào bên trong, tôi khá thất vọng vì từ các cô chạy bàn cho đến cả người quản lý đều là người Ba Lan bản xứ, tóc vàng, mắt xanh mà không gặp một đồng hương nào cả, khách hàng cũng chỉ toàn người ngoại quốc. Thức ăn Việt Nam được đem ra không còn là thức ăn Việt Nam thuần túy mà đã được thay đổi theo khẩu vị của người bản xứ, ví dụ chả giò (trên thực đơn ghi là nem rán theo cách gọi miền Bắc), nhưng nhân bên trong là khoai tây nghiền với cheese giống như nhân bánh pierogi của người Ba Lan. Tôi biết tôi chưa tìm ra đúng nhà hàng thuần Việt dành cho thực khách gốc Việt sành ăn...Hôm sau, khi rời thủ đô, tôi đã thấy hơn ba nhà hàng Việt Nam khác không có trong danh bạ thương mãi của ngành du lịch, tôi biết rằng đó có thể là những nhà hàng ngon. Đồng bào miền Bắc sống ở Warsaw rất đông, nhưng vì thời gian tôi đến đây quá ngắn, nên tôi không kịp thưởng thức những món ngon miền Bắc như bún chả, nem rán, bánh cuốn...

 

NGƯỜI BA LAN KHÔNG THÍCH CỘNG SẢN
Trước khi đến Ba Lan, tôi vẫn thắc mắc không biết những người vẫn tôn thờ chủ nghĩa Cộng Sản có còn nhiều ở đây hay không, và chính phủ có còn những luận điệu luyến tiếc mồ ma của thời bao cấp, Cộng Sản hay không. Đem thắc mắc và sự quan sát này đến Warsaw, tôi nhận thấy tất cả những lời thuyết minh và tài liệu chính thức của bộ du lịch gởi đến cho du khách đều cho thấy một lập trường dứt khoát với quá khứ đau thương. Ngay tại trung tâm thành phố, một đài tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản đã chết. Qua lời thuyết minh, họ là những chuyên gia, nghệ sĩ lẫy lừng của đất nước bị Phát Xít Đức giam giữ, sau khi Hồng Quân Liên Xô chiếm thành phố, chính Stalin đã ra lệnh giết chết tất cả vì không muốn phí lương thực nuôi tù, và cũng không muốn thả họ ra vì chính sách của người cộng sản cũng là tập trung, giam giữ những thành phần trí thức, không cho họ có cơ hội lãnh đạo và nổi lên chống lại. Xe dừng lại cho du khách dành một thời gian tưởng niệm, nhiều người trong đoàn của tôi có ông bà, cha mẹ từng chết trong giai đoạn này, nay họ lại là những người tị nạn cộng sản thế hệ thứ hai tại Hoa Kỳ, họ đã bật khóc nức nở khi họ trở về nguồn với một quá khứ quá đau thương.

ĐI SHOPPING
Vì Warsaw là một thành phố lớn ở khu vực Đông Âu, nơi được xem là trung tâm văn hóa, nghệ thuật như một Paris ở miền Đông. Tôi đã thấy tất cả những thương hiệu thời trang lẫy lừng của thế giới như Hermès, Louis Vuitton, Prada, Gucci, Chanel, Rolex... đều có mặt tại đây, những tiệm McDonald cũng có mặt ở khắp nơi. Tuy nhiên, những du khách đến từ Tây âu và Bắc Mỹ lại thú vị với những mặt hàng thủ công mỹ nghệ và thổ sản của người dân địa phương hơn là những thời trang xa xỉ đến từ nước khác. Tôi thấy các du khách phụ nữ luôn thích thú tìm mua những món nữ trang làm từ hổ phách, các búp bê trong trang phục truyền thống, các món hàng lưu niệm khắc gỗ, và cả rượu với rượu Vodka rất mạnh.



TỪ GIÃ WARSAW
Chỉ có vài ngày để tìm hiểu thành phố thủ đô của Ba Lan, tôi biết chưa đủ vào đâu so với một lịch sử hơn ngàn năm của họ. Đặc điểm mà du khách thật khó quên là những ngôi giáo đường với kiến trúc Phục Hưng diễm lệ, một nhịp sống đang tiến gần với đời sống phương Tây. Đất nước này đây đã đem đến cho nhân loại những nhân vật tài danh, xuất chúng như Đức Giáo Hoàng John Paul II (ngài không sinh ra tại Warsaw), nhà soạn nhạc thiên tài Chopin, nữ khoa học gia Marie Curie. Người dân ở Warsaw đã anh hùng chống lại từ Phát Xít Đức cho đến cả một hệ thống độc tài Cộng Sản Đông Âu. Nếu cuộc cách mạng không xuất phát từ Warsaw, cũng có thể sẽ là một thành phố khác, hoặc sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Chúng ta không thể nào không xác nhận, chính người dân tại Warsaw đã là những chiến sĩ đi tiên phong, đã là nhân tố bùng phát cho cuộc cách mạng ý thức hệ, xóa hẳn dấu tích cộng sản từng có mặt ở Đông âu trong bảy mươi năm ròng. Tôi biết nhận thức, kể cả nhiều ngộ nhận của tôi đã thay đổi rất nhiều sau chuyến thăm thủ đô của Ba Lan này.

Tôn Thất Hùng

Ngư Tiều Canh Mục